Hình Thế quan trọng ra sao trong phong thủy nhà ở?

“Phàm là đô thành, phủ huyện, diện tích rộng rãi, đất tốt đều đã làm nhà môn cả. Dân cư ở gần nhà môn đều không cát lợi vì khí lành đều đã bị sử dụng hết”. Câu nói này của Hoàng Thời Minh, nhà tướng trạch nổi tiếng cuối Minh đầu Thanh của Trung Hoa đã nhấn mạnh tầm quan trọng trên hết của Hình Thế trong phong thủy, đặc biệt là đối với phong thủy dương trạch – phong thủy dành cho nhà ở.

Xin lưu ý: Mọi thông tin chỉ có tính tham khảo. Phong Thủy là một học thuyết lớn với nhiều trường phái, quan điểm, quan niệm, cách hiểu và phương pháp vận dụng khác nhau.

Những nơi cần tránh làm Nhà ở

Nhiều sách cổ về tử vi, phong thủy đều nêu bật những nơi sau đây cần tránh làm nhà ở:

  • Trước đền sau miếu là đất hương hỏa, là nơi âm khí tích tụ nên tại đó không có vượng khí.
  • Ngõ sâu chật hẹp, nhà xí tối tăm là nơi tích tụ nhiều trệ khí, khí dương không phát triển được nên đều không phải là thế đất phú quý.
  • Bên cạnh nơi giết mổ sẽ bị uế khí bao phủ.
  • Gần am ni cô, phường kỹ viện là nơi âm khí nặng nề, cũng không phải là thế đất phú quý.
  • Gần đàn tế, mộ cổ, cầu cống, cổng chào là nơi sát khí trùng trùng.
  • Bốn bề là đồng không mông quạnh, không một bóng nhà là nơi đãng khí bao trùm.
  • Núi sâu rừng vắng, cô quạnh một mình nơi âm khí dày đặc.
  • Gần núi, gần tháp là tượng Liêm Trinh hành Hỏa cũng không phải là cát địa.

Luận bàn về Hình Thế trong phong thủy Nhà ở

Dương Trạch (nơi xây dựng nhà ở và công trình cho người đang sống, phân biệt với Âm Trạch là nơi xây dựng mồ mả, âm phần) cần có nền móng vuông vắn, ngay ngắn, dễ xem phương hướng tốt. Nếu như quá cao, quá rộng, quá nhỏ hẹp hoặc méo vẹo, trồi thụt thì chắc chắn sẽ hao của mất người. Sách xưa có viết những điều sau rất đáng xem xét:

  • Nhà cửa ngay ngắn, khí tượng hào hùng; Tùy tùng nghiêm trang là nhà giàu sang.
  • Tường rào kín kẽ, bốn vách rõ ràng, giếng trời sáng sủa, quy cách nhất quán là nhà phú quý.
  • Nam Bắc đều có nhà lớn, đông tây đổi hướng, thế như tranh giành nhau, bên trái bên phải đều cao lớn nguy nga là thế nhà phản nghịch.
  • Nhà nhỏ mà cao, trơ trọi một mình không có thế dựa, bốn bề xung quanh không có gì che chắn là thế nhà đơn lạnh.
  • Nhà nghiên cửa vẹo, mưa dột gió lùa là thế nhà đau ốm.
  • Nhà cửa tối tăm, quá rộng hoặc quá chật hẹp đều là thế nhà yêu quái.
  • Nhà cửa nứt vỡ, vách tường sạt lở, đầu kèo hở hoác là thế đất đơn độc khổ sở.
  • Nền đất quá cao. trước sâu sau lẹm, nước không tụ lại, lan man không tập trung là thế nhà bần cùng.
  • Nhà cao mà đất hẹp, tiền của và nhân đinh đều hao tổn.
  • Nhà thấp mà đất rộng, trong vòng một đời sẽ giàu có.
  • Nhà cũ bị kẹp giữa hai bên là nhà mới xây thì tuyệt đối không nên ở vào đấy.
  • Nhà mới xây bị kẹp giữa hai bên là nhà cũ là thế phú quý hiển hách.
  • Nhà ở nửa cũ nửa mới là thế bần hàn.
  • Nhà cửa mới mẻ khang trang là thế thịnh vượng muôn đời.
  • Nhà cửa mối mọt, vì kèo mục ruỗng là chủ về mắt mù tai điếc.
  • Cột nhà không tiếp đất thì chủ nhà vắn số.
  • Xà nghiêng cột lệch là thế thị phi phản phúc.
  • Cột nhà liền với đầu xà thì ba năm một tang.

Hoàng Thời Minh cũng từng nói: “Nhà ở và dinh quan nhà không giống nhau. Nha môn nên rộng rãi cao lớn, nhà ở phải tập trung mới mong được phúc.”

Luận bàn về tính phong thủy trong thiết kế Nhà ở

Những điều cát – hung sau đây cũng là đúc kết kinh nghiệm từ dân gian và sách vở phong thủy, địa lý:

  • Phòng ngủ và phòng khách cũng khác nhau. Phía trước phòng khách có thể để khoảng không rộng rãi nhưng nếu không gian phía trước phòng ngủ quá rộng thì khí sẽ tản mát.
  • Với nhà ở thì giếng trời là tượng trưng cho tài lộc, căn nhà ở phía trước mặt là án sơn. Giếng trời có kích cỡ hợp lý sẽ tụ tài, căn nhà phía trước có chiều cao vừa phải, tương quan chủ khách cân xứng sẽ được phúc.
  • Căn nhà phía trước mặt nếu như quá cao là thế chủ bị ăn hiếp, nếu như quá thấp lại là thế khách không tương xứng, quá gần là thế bức bách, quá xa là thế trống trải.
  • Mái nhà phía trước gần, nhà nên thấp; mái nhà phía trước xa, nhà có thể nhỉnh hơn một chút.
  • Đại sảnh phía ngoài lại có hình thế khác: giếng trời của đại sảnh là tiểu minh đường và tiền sảnh là tầng án sơn thứ nhất. Khoảng không trước tiền sảnh, phía trong cổng là trung minh đường, cổng là tầng án sơn thứ hai. Khoảng không phía trước cổng là đại minh đường, sa núi phía trước nhà (hay triều sơn) là tầng án sơn thứ ba. Tiều minh đường cần phải kín và tập trung, trung minh đường nên rộng rãi hơn, hình dáng nên vuông vắn. Đại minh đường cần rộng rãi nhưng cũng không nên là đồng không trống trải.
  • Nhà hẹp người đông, tức người khắc nhà là cát; nhà rộng người ít, tức nhà lấn người là hung.

Nền nhà thì kỵ nhất là tham rộng quá dễ khiến được chỗ nọ hụt chỗ kia. Những nền nhà khuyết góc có thể gây hại cho gia chủ nếu không có phương cách hóa giải:

  • Nền nhà Càn nếu khuyết ở phương Ly: chi thứ chắc chắn sẽ có con gái mù mắt.
  • Nền nhà Khảm nếu khuyết ở phương Tốn: chi trưởng sẽ có nhiều người chết trẻ.
  • Nền nhà Tốn nếu khuyết ở phương Khôn: chi trưởng sẽ tuyệt tự.
  • Nền nhà Chấn nếu khuyết ở phương Càn: chi trưởng chắc chắn có con mồ côi cha.
  • Nền nhà Tốn nếu khuyết ở phương Chấn: chi trưởng ắt sẽ chết yểu không người nối dõi.
  • Nền nhà Ly nếu khuyết ở phương Càn: con trưởng chắc chắn sẽ không con.
  • Nền nhà Đoài nếu khuyết không đủ: các chi đứt tuyệt một nhà không.
  • Nền nhà Khảm đầy đủ ở phương Càn: chắc chắn chủ nhà sẽ ăn chơi trác táng.

Xem thêm: Cách xác định quái số phong thủy (mệnh)phương vị tốt xấu cho mỗi cá nhân.

Tham khảo chuyên môn: Thầy Chung Quang Ích, KTS Nguyễn Hoàng Ân

Vui lòng dẫn nguồn nhalocdatvang.com khi sử dụng thông tin từ trang này. Xin cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *