Âm Trạch và Dương Trạch

Âm Trạch là vùng đất để làm mồ mả cho người chết, Dương Trạch là vùng đất để làm nhà ở cho người sống hoặc để xây dựng các công trình đình, chùa, miếu mạo, thôn xóm, làng mạc, thị trấn, thành phố,… Phong thủy Âm Trạch – Dương Trạch có nhiều tương đồng về nguyên lý cơ bản cũng như nhiều khác biệt về kỹ thuật ứng dụng.

Xin lưu ý: Mọi thông tin chỉ có tính tham khảo. Phong Thủy là một học thuyết lớn với nhiều trường phái, quan điểm, quan niệm, cách hiểu và phương pháp vận dụng khác nhau.

Phong thủy Âm Trạch

Người xưa quan niệm số mệnh của một con người không chỉ phụ thuộc vào bản thân người đó mà còn chịu ảnh hưởng của âm phần và dương phần được tổng kết trong câu “Nhất mộ, nhì phòng, tam bát tự”. Trong đó đưa vị trí của mồ mả, tức Âm Trạch lên hàng đầu. Kỹ thuật ứng dụng Phong thủy Âm Trạch có một số điểm chính sau đây:

Huyệt Vị của Âm Trạch

Quan trọng nhất chính là vị trí mộ táng. Nếu không chú ý xem xét để đạt được vị trí tốt thì dù cho cuộc đất có đẹp, thế đất lý tưởng đến mấy cũng bị xem là vô ích.

Trường hợp nghĩa trang ở vùng đất bằng phẳng, Âm Trạch lý tưởng nhất là khoảnh đất có Minh đường (phía trước) thoáng rộng, phía sau tựa lưng vào núi cao vững chắc hoặc tương đương và hai bên trái phải đều có núi hộ vệ. Đạt được thế đất này thì con cháu đời sau rất có phúc. Đại kỵ nếu phía trước mộ phần lại có dốc thẳng xuống vì điều này chủ về gia trạch sẽ đi xuống, sẽ ảnh hưởng tới sự hưng vượng phát đạt của các đời sau.

Vị trí mộ phần đẹp cần hết sức tránh những nơi đất có nhiều đá, tù đọng rác bẩn hoặc bị ô nhiễm nguồn nước. Khi đào lên nếu có mạch nước ngầm chảy ở dưới lỗ huyệt thì màu sắc của nước phải trong – không đục – không mùi hôi thối. Ngoài ra cần đặc biệt chú ý đến những con đường xung quanh mộ phần. Con đường đâm thẳng vào giữa hoặc đâm xuyên sang hai bên mộ được xem là đại kỵ. Nên chọn khu lăng mộ ở nơi yên tĩnh, cách xa đường đi của khu dân cư.

Hướng của Âm Trạch

Hướng của mộ phần được xác định bởi hướng bia mộ: mặt chính diện của bia mộ quay về đâu thì chính là hướng của Âm Trạch cần phải đặc biệt xem xét kỹ. Nếu hướng nhìn ra sông hồ sẽ càng được xem là lý tưởng vì “nhìn sông dựa núi” là thế đất đẹp nhất trong tất cả trường phái phong thủy Âm Trạch lẫn Dương Trạch. Việc quyết định hướng là một việc cực kỳ quan trọng có thể cần phải nhờ đến các thầy phong thủy những người có chuyên môn.

Kích thước của Âm Trạch

Mộ phần lớn hay nhỏ, đào sâu bao nhiêu sẽ tùy thuộc vào từng loại mộ như: mộ hung táng, mộ cải táng, mộ hỏa táng,.. và phụ thuộc vào diện tích khu đất an táng mà gia đình hay dòng họ sở hữu, hoặc mua bán, nhận chuyển nhượng mà có.

Kích thước của mộ táng cả kích thước kim tĩnh phía dưới và kích thước phần mộ nổi ở trên, bắt buộc căn cứ vào thước Lỗ Ban Âm Trạch (loại thước 39cm có 10 cung lớn là: Đinh, Hại, Vượng, Khổ, Nghĩa, Quan, Tử, Hưng, Thất, Tài). Về hình dáng phần nổi của ngôi mộ (phía trên mặt đất) thường sẽ có đế thì thường to hơn quách bên dưới, ở giữa phải chừa một chỗ rỗng có kích thước vừa phải, không quá lớn để làm lỗ thông thiên.

Thời điểm cải táng hoặc quy tập Âm phần

Việc chọn lựa thời điểm cải táng/quy tập có ý nghĩa vô cùng quan trọng và tùy thuộc vào phong tục từng địa phương. Theo dân gian nói chung thì thời gian tốt nhất trong năm là khoảng thời gian từ cuối Thu đến trước ngày Đông Chí. Thường thường sau 3 năm thân nhân có thể tiến hành việc cải táng vì đây cũng là thời điểm con cháu mãn tang nên có nhiều thuận lợi cả về tâm linh và nghi thức.

Một số trường hợp mà người ta xem là điềm cát tường, tốt cho con cháu và thân nhân không nên tiến hành việc cải táng là:

  • Khi mở nắp quan tài thấy có dây tơ hồng quấn quýt: dân gian xem là đất kết.
  • Khi khai mộ phần, bắt gặp trong huyệt có con rắn vàng đang sinh sống: dân gian xem là Long Xà khí vật.
  • Khi hơi đất chỗ quan tài ấm áp, không có nước, khô ráo hoặc có nước đọng như màu sữa…: dân gian xem là những đặc điể của mộ kết.

Một số ĐẠI KỴ trong Phong thủy Âm Trạch

  • Tránh để Âm trạch bị giẫm đạp
  • Tránh để mộ phần bị thất lạc hay chỉ có xương cốt mà không có bia mộ
  • Tránh để Âm phần bị dựng cột hay đóng cọc
  • Tránh để mộ phần bị ngập nước
  • Đại hung khi mộ phần bị đào trộm
  • Tránh Âm phần bị chèn ép
  • Tránh để gỗ quan tài, gạch đá hay tạp vật đè lên
  • Tránh để xương cốt bị thất tán
  • Tránh để đất trước mộ bị sụt lún hay sạt lở
  • Tránh để gạch đá, vật liệu xây dựng chất đống trên hay chung quanh mộ
  • Tránh để kiến, rắn, mối, chuột… đào hang, làm tổ trong mộ
  • Tránh hiện tượng trùng táng, mộ đè lên mộ
  • Tránh để cây đâm xuyên quan tài, dây leo mọc trùm lên mộ
  • Tránh dựng tường bao quanh kín mộ phần, không có lối ra vào
  • Tránh để lỗ thoát nước nơi mộ phần quá lớn hay bị tắc

Phong thủy Dương Trạch

Dương trạch, tức đất đai và công trình xây dựng dành cho người đang sống, được xem là chi phối trực tiếp nhất, mạnh nhất và nhanh nhất đến sức khỏe, gia vận, hỷ tài của gia chủ cùng người thân. Vì vậy Phong thủy Dương trạch cũng được nhấn mạnh hơn và có tính ứng dụng cùng tính thực tiễn cao hơn.

Lĩnh vực mà Phong thủy Dương Trạch chạm tới là rất nhiều, không giới hạn trong danh sách sau đây:

Nhìn chung, một Dương Trạch hay một ngôi nhà có Phong thủy tốt sẽ có chung những đặc điểm sau:

  • “Tàng phong tụ khí”, “sơn thanh, thủy tú”, “Thiên – Địa – Nhân hợp nhất”: với nước ôm núi, Trời, Đất và con người hòa làm một.
  • Đất quanh nhà bằng phẳng, chắc chắn, tạo cảm giác sự an ổn.
  • Lý tưởng nhất là đất có hình dạng vuông vắn, có tầm quan sát tốt, dễ thiết kế xây dựng.
  • Không khí sạch sẽ, thoải mái.
  • Ánh sáng hài hòa, đầy đủ.

Một số đặc điểm để nhận biết một Dương Trạch tốt, có dương khí thịnh, môi trường tốt, thuận lợi và hanh thông cho gia chủ là:

  • Đất có chim, ong, thằn lằn… về làm tổ sinh sống
  • Đất có cây cối sinh trưởng tốt, xanh tươi
  • Đất có độ ẩm, tơi, nhuận sắc, màu mỡ càng tốt
  • Khi đi vào đất hoặc nhà dù để lâu không có người ở vẫn có thể cảm nhận rõ hơi ấm; không có cảm giác bị lạnh.

Ngược lại. một số đặc điểm để nhận biết một Dương Trạch không tốt:

  • Đất/nhà có minh đường (khoảng không phía trước) phạm vào một số đại kỵ như “Chu tước khai khẩu sát”, “Thiên trảm sát”, “Hỏa hình sát”, “Lộ xung sát”, “Phản quang sát”…
  • Đất/nhà có đại cục xung quanh bị dẫn dụ bởi các sát khí (ví dụ góc nhọn từ các ngôi nhà hoặc kiến trúc khác chiếu vào), sẽ gây ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của chủ nhân.
  • Đất/nhà bị khuyết góc, khuyết hậu, phạm phải “Độc Âm sát”,..

Nguồn tham khảo: sách, báo và internet.

Vui lòng dẫn nguồn nhalocdatvang.com khi sử dụng thông tin từ trang này. Xin cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *