Môn, Chủ, Táo: 3 phần Phong thủy quan trọng nhất của Nhà ở

Cổng chính/cửa chính, Phòng ngủ chính và Bếp nấu có tác động lớn nhất, chi phối đời sống của gia chủ, những người sống trong nhà và sự vượng suy của cả ngôi nhà.

Xin lưu ý: Mọi thông tin chỉ có tính tham khảo. Phong Thủy là một học thuyết lớn với nhiều trường phái, quan điểm, quan niệm, cách hiểu và phương pháp vận dụng khác nhau.

1. Môn (Cửa)

Môn là cửa, cổng. Trong phong thủy thì cửa cái, cổng chính là quan trọng nhất vì đây là nơi đầu tiên thu nạp khí vào trong một ngôi nhà, tốt hay xấu cũng bắt đầu từ đây. Có các nguyên tắc quan trọng sau đây cần áp dụng với Môn:

Cổng:

  • Cổng là phần ngoại thất, phải tương ứng và hài hòa với ngôi nhà về kích thước, màu sắc, phù hợp với phương vị ngũ hành.
  • Cổng nên nằm ở cung tốt và hướng cát lợi, kính thước lọt lòng của cổng nên đo theo thước Lỗ Ban Thông thủy (thước 52cm).
  • Hình dạng tốt nhất của Cổng là hơi cong lên và có hoa văn.
  • Cổng không nên thẳng hàng với cửa, không nên lợp mái trên Cổng.
  • Hai bên Cổng nên đặt 2 chậu cây cát tường.
  • Nếu cổng đang ở phương hung thì có thể hóa giải bằng cách:
    • Mở thêm cổng phụ nếu có thể.
    • Dùng ngũ hành để hóa giải: nguyên tắc áp dụng là bắc cầu, nên đi vòng, mở phương cát.

Cửa:

  • Cửa cần bố trí sao cho mệnh môn tương phối.
  • Kích thước Cửa cần tương xứng với căn nhà, hai cánh đều nhau, vật liệu màu sắc theo cung và phương vị.
  • Kích thước lọt lòng của Cửa đo theo thước Lỗ Ban thông thủy.
  • Kị các họa tiết sau trên Cửa: tam giác, nhọn, quái dị.
  • Nếu có bậu cửa thì nên cao từ 3cm đến 5cm để giữ khí.
  • Nếu làm 2 lần cửa (như thường thấy ở nhà mặt tiền các thành phố) thì phải theo nguyên tắc ngũ hành “ngoài sinh cho trong” kể cả vật liệu và màu sắc.

Cửa sổ:

  • Cửa sổ nhỏ hơn cửa chính về kích thước, không nên mở quá nhiều cửa sổ vì sẽ bị tán khí.
  • Cửa sổ nên mở về phương cát lợi, tránh trực thẳng cửa chính.
  • Không cần kích thước Lỗ Ban.

Các cửa xuất nhập khác:

Cũng nên theo nguyên tắc Mệnh Môn tương phối và kích thước Lỗ Ban lọt lòng.

2. Chủ (Phòng ngủ)

Chủ là phòng ngủ của gia chủ. Đây là phần quan trọng thứ 2 sau Môn và rất cần tuân theo những nguyên tắc phong thủy quan trọng:

  • Phòng ngủ nên đặt ở cung hợp với mệnh gia chủ.
  • Cửa phòng hướng về phương cát lợi, diện tích phòng ngủ tốt nhất từ 15-20m2.
  • Màu tường sơn theo ngu hành mệnh trạch.
  • Trần Phòng ngủ không nên treo quạt, đèn chùm, đèn tuýp hoặc có xà nhà, phía trên cũng không nên có toilet hay bồn chứa nước.
  • Phía dưới Phòng ngủ không nên là bếp hoặc hầm tự hoại.
  • Giường ngủ:
    • Nên đặt ở góc tụ khí, không trực thẳng với cửa phòng.
    • Đầu giường ngủ hướng về phương cát lợi và tựa vào tường.
    • Nên dùng giường gỗ.
    • Không để rác tụ dưới gầm giường.
    • Không để gương soi hay mặt kính chiếu vào giường.
    • Các đồ vật trên giường như nệm, ra trải giường, mền, mùng, gối, rèm cửa nên sử dụng màu sắc tương phối.
  • Không để tivi, máy vi tính, các thiết bị điện từ hay quá nhiều đồ trong phòng ngủ.
  • Mỗi tuần một lần nên mở hết cửa phòng, cửa sổ cho nắng gió bay vào Phòng ngủ từ 7-11h sáng

3. Táo (Bếp)

Táo là ông Táo, ở đây nghĩa là Bếp lò. Đây là thành phần cực kỳ quan trọng trong một ngôi nhà vì đây chính là nơi tạo ra thức ăn nuôi sống những người trong nhà. đồng thời tạo ra sự ấm cúng cho cả ngôi nhà. Bếp có ảnh hưởng chặt chẽ với trạng thái vượng suy của cả ngôi nhà và người ở trong nhà.

Nguyên tắc đặt Bếp:

  • Tọa hung hướng cát: lưng bếp quay về phía hung, cửa bếp hướng về hướng cát.
  • Sau lưng Bếp phải là tường để tọa vào, không được để trống, không nên có cửa sổ.
  • Tính theo cung mệnh của từng người, tốt nhất là hướng về Sinh khí vì sẽ đặc biệt phát tài nhanh chóng.
  • Nếu gia chủ có nhu cầu khác thì quay Bếp về 3 hướng tốt còn lại, ví dụ muốn khỏi bệnh, khỏe mạnh hay có con thì quay Bếp về Thiên y,…
  • Luôn giữ vệ sinh khu Bếp sạch sẽ, thường xuyên lau chùi dầu, mỡ, bụi bẩn, tốt nhất là có ống thông khí phía trên. Loại bỏ các thứ không cần dùng đến, không biến Bếp thành kho chứa, dao kéo nên để vào kệ để tránh sát khí, không treo trên đầu Bếp.

Những kiêng kỵ khi đặt Bếp:

  • Bếp nấu đặt ngược hướng nhà.
  • Đường từ cửa chính đi vào đâm thẳng vào Bếp.
  • Đứng từ ngoài nhà nhìn thấy Bếp.
  • Bếp đối diện nhà vệ sinh hoặc ngang hông.
  • Bếp đối diện hoặc đặt sát phòng ngủ.
  • Bếp nấu trực diện với cửa toilet, tủ lạnh, máy giặt
  • Bếp nấu trực diện với nơi dơ bẩn như nơi chứa rác, chuồng nhốt động vật.
  • Phía sau Bếp là khoảng không.
  • Phía dưới Bếp là đường mương nước.
  • Xà ngang ở phía trên Bếp, tủ kệ quá thấp.
  • Phía trên Bếp là nhà vệ sinh, giường ngủ, bồn rửa.
  • Có góc nhọn chiếu thẳng vào mặt Bếp.
  • Trực đối Thủy Hỏa.

Các lưu ý khác đối với Bếp:

  • Bếp điện, bếp từ, nồi cơm điện,… lấy công-tắc mở/đóng (ON/OFF) làm cửa bếp và đặt theo các nguyên tắc nêu trên.
  • Hũ gạo: nên dùng đồ bằng gốm, từ thổ mà ra. Hành thổ nên đặt ở Tây Nam và Đông Bắc, chú ý chống ấm.
  • Tủ lạnh: có thể đặt ở cung lành, hướng lành, không trực xung Bếp nấu.
  • Bàn thờ Táo quân: đặt trên Bếp nấu hoặc bên cạnh, tốt nhất ở hướng Nam.
  • Ngày đặt Bếp nên chọn các ngày Thành, ngày Định, ngày Khai Đại Cát; kỵ các ngày sau: mùng 1 ÂL, mùng 25 ÂL, ngày Bính, ngày Đinh, ngày Nhâm Tý, Quý Hợi.

Tham khảo chuyên môn: Thầy Chung Quang Ích, KTS Nguyễn Hoàng Ân

Vui lòng dẫn nguồn nhalocdatvang.com khi sử dụng thông tin từ trang này. Xin cảm ơn!

Bình luận:

Reset password

Enter your email address and we will send you a link to change your password.

Powered by Estatik
All in one
Liên hệ ngay