Hiểu biết Dịch Lý sẽ giúp người thực hành phong thủy có được cái nhìn đúng đắn hơn về phong thủy từ đó việc vận dụng có thể đạt kết quả tốt hơn bởi vì Dịch Lý là một trong những nền tảng căn bản nhất của thuật Phong Thủy cùng với các học thuyết Âm Dương, Ngũ Hành, Bát Quái.
Xin lưu ý: Mọi thông tin chỉ có tính tham khảo. Phong Thủy là một học thuyết lớn với nhiều trường phái, quan điểm, quan niệm, cách hiểu và phương pháp vận dụng khác nhau.
Dịch Lý là gì?
“Dịch” là biến đổi, biến hóa, biến động và “Lý” là lý lẽ, lý thuyết, nguyên lý, “Dịch Lý” theo nghĩa Hán Việt có nghĩa là một bộ môn mô tả, diễn nghĩa những nguyên lý biến đổi không ngừng nghỉ của vạn vật, của vũ trụ. Những biến đổi không ngừng nghỉ này là nguyên nhân sinh ra, cấu thành nên vạn vật và cũng là nguyên nhân chi phối, ảnh hưởng, tác động đến vạn vật không phân biệt thời gian quá khứ – hiện tại – tương lai, cũng không phân biệt không gian lớn – nhỏ – xa -gần.
Ý nghĩa thâm sâu của Dịch Lý có lẽ là một sự thật hay một chân lý: Biến đổi hay Biến hóa hay Biến động là cái Lý lẽ có thật, tồn tại hiển nhiên, trong muôn đời, ở khắp mọi nơi, từ xưa đến nay, đang diễn ra và còn tiếp tục diễn ra ở tương lai.
Nguồn gốc của Dịch Lý
Về mặt nguyên thủy, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Dịch Lý ẩn tàng trong những Đồ hình vô tự, tức những hình vẽ, những ký hiệu không có chữ, không được chú thích hoặc giải nghĩa bằng bất kỳ loại ký tự hay văn tự nào. Người ta nói rằng đó là những Đồ hình “hài thanh tượng ý” mà người xưa để lại với mục đích rằng người chiêm bái sau này tự suy Lý.
Các dân tộc ở Đông Á và Đông Nam Á đều có lịch sử về Dịch Lý nhưng nổi bật nhất và có hệ thống nhất, có lẽ cũng là cổ xưa nhất là Trung Hoa với bộ Kinh Dịch diễn giải ý nghĩa cũng như truyền đạt các tư tưởng triết học cổ và những tinh hoa của cổ học Trung Hoa mà từ xưa đến nay được vận dụng vào rất nhiều lĩnh vực cuộc sống như thiên văn, địa lý, bói toán, quân sự, nhân mệnh, phong thủy,…
Kinh Dịch được cho là kết quả từ sự “suy Lý” ban đầu của Phục Hy khi quan sát, chiêm nghiệm đồ hình Hà Đồ rồi lý giải, sáng tạo ra Tiên Thiên Bát Quái và sự “suy Lý” ban đầu của Chu Văn Vương khi quan sát, chiêm nghiệm đồ hình Lạc Thư rồi lý giải, sáng tạo ra Hậu Thiên Bát Quái, làm nền tảng cho 64 quẻ của Kinh Dịch.
Ứng dụng Dịch Lý trong Phong thủy
Từ sự hiểu biết Dịch Lý mà có thể tìm hiểu và thực hành Phong thủy một cách lý trí bởi vì người thực hành Phong thủy hiểu rằng tất cả vật chất, hiện tượng, đối tượng hay khái niệm đã, đang và sẽ biến đổi, biến hóa, biến động không bao giờ ngừng nghỉ. Từ suy nghiệm bằng lý trí này, việc ứng dụng hay thực hành Phong thủy sẽ chuẩn xác hơn và mang lại kết quả tốt hơn một niềm tin bình thường theo kiểu “làm theo sách nói” hay “làm theo người ta nói”.
Nguồn tham khảo: sách, báo và internet.
Vui lòng dẫn nguồn nhalocdatvang.com khi sử dụng thông tin từ trang này. Xin cảm ơn!