Âm Dương: bản chất và quan hệ của các mặt đối lập

Nhiều người biết Âm Dương và dễ dàng chấp nhận học thuyết này như là triết lý về các cặp đối lập: sáng là dương – tối là âm, nóng là dương – lạnh là âm, đàn ông là dương – đàn bà là âm,.. Tuy nhiên nội dung chính mà triết lý Âm Dương đề cập là bản chất và quan hệ của các mặt đối lập trong từng cặp đối lập đó.

Xin lưu ý: Mọi thông tin chỉ có tính tham khảo. Phong Thủy là một học thuyết lớn với nhiều trường phái, quan điểm, quan niệm, cách hiểu và phương pháp vận dụng khác nhau.

Ứng dụng thực thế triết lý Âm Dương

  • Trong thực tế hiện đại: Âm Dương được dùng để chỉ ra hai mặt đối lập nhau trong một sự vật, hiện tượng. Từ những dữ kiện này để điều phối, trấn áp hay hỗ trợ nhau.
  • Trong tây y: Âm Dương được dùng làm ký hiệu để mô tả trạng thái “âm tính/không” hoặc “dương tính/có”, đặc biệt là trong các xét nghiệm y khoa.
  • Trong đông y: Âm Dương được dùng làm tiêu chuẩn căn bản nhất để xem xét sự mất cân bằng trong một cơ quan hoặc giữa các cơ quan của cơ thể để chẩn đoán, điều trị bệnh hoặc bồi bổ, làm quân bình tình trạng của cơ thể.
  • Trong máy tính, thiết bị điện, điện tử: Âm Dương được hiểu là các trạng thái “tắt” hoặc “mở”, “cực âm” hoặc “cực dương”, số nhị phân “0” hoặc số nhị phân “1”.
  • Trong nhân tướng học: Âm Dương được dùng như một cơ sở để nhận định cá tính của một cá nhân nào đó (hướng ngoại hay hướng nội, nóng tính hay dễ tính,.. ) để từ đó ứng dụng vào lĩnh vực nhân sự với mục đích sử dụng nhân lực phù hợp với công việc.
  • Trong phong thủy: Âm Dương (Lưỡng Nghi) là 2 yếu tố chính tạo nên toàn bộ học thuyết Bát Quái (Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái) và từ đó hình thành nên hầu hết các trường phái phong thủy ngày nay.

Ví dụ thường gặp về các cặp đối lập Âm Dương

Âm (-)Dương (+)
ĐấtTrời
Phương BắcPhương Nam
Mùa Thu, ĐôngMùa Xuân, Hè
LạnhNóng
Tối (ban đêm)Sáng (ban ngày)
MẹCha
NữNam
Giống CáiGiống Đực
Số Chẵn (2,4,6,8,…)Sổ lẻ (1,3,5,7,9,…)
Hình VuôngHình Cầu
TrongNgoài
ThấpCao
NặngNhẹ
GiángThăng
TĩnhĐộng
Ức ChếHưng Phấn
Hướng NộiHướng Ngoại
Âm Tính (trong y học, xét nghiệm)Dương Tính (trong y học, xét nghiệm)
Không
0 (hệ nhị phân)1 (hệ nhị phân)
TắtMở

Bản chất và Quan hệ của các mặt đối lập trong từng cặp đối lập

Quy luật Bản chất

Quy luật bản chất trong triết lý âm dương là:

  1. Không có gì hoàn toàn âm hoặc hoàn toàn dương, và
  2. Trong âm có dương, trong dương có âm.

Ý nghĩa: Quy luật bản chất cho thấy việc xác định một đối tượng là âm hay dương chỉ là tương đối, nghĩa là trong sự so sánh với một đối tượng khác. Quy luật này được người xưa thể hiện rõ ràng trong biểu tượng âm dương: vòng tròn 2 nửa đen trắng, trong phần trắng (dương) có chấm tròn đen (âm): trắng không hoàn toàn dương và trong trắng có đen; và trong phần đen (âm) có chấm tròn trắng (dương): đen không hoàn toàn âm và trong đen có trắng.

Thực vậy: màu trắng khi so với màu đỏ thì màu trắng là âm nhưng khi so với màu đen thì màu trắng lại là dương; nước so với đất: xét về tương quan độ cứng thì nước là âm (vì nước mềm mại) – đất là dương (vì đất cứng rắn) nhưng xét về tương quan độ linh động thì nước là dương (vì nước linh hoạt và di chuyển được) – đất là âm (vì đất tĩnh lặng và không di chuyển được).

Quy luật Quan hệ

Quy luật quan hệ trong triết lý âm dương là:

  1. Âm dương gắn bó mật thiết với nhau, vận động và chuyển hóa cho nhau, và
  2. Âm phát triển đến cùng cực thì chuyển thành dương, dương phát triển đến cùng cực thì chuyển thành âm.

Ý nghĩa: Quy luật quan hệ cho thấy Âm Dương thực ra là 2 mặt đối lập trong một thể thống nhất, luôn luôn vận động chứ không bất động và luôn luôn chuyển hóa thành nhau nếu có điều kiện. Quy luật này được người xưa thể hiện rõ ràng trong biểu tượng âm dương: vòng tròn 2 nửa đen trắng, không phải là tách biệt theo kiểu nửa trắng nửa đen rạch ròi 50-50 mà đen và trắng gắn bó với nhau, chuyển động đến nhau, hòa quyện và sẵn sàng chuyển hóa cho nhau.

Thực vậy: ngày và đêm, tối và sáng, mưa và nắng, nóng và lạnh,… không phải là những đối tượng hay những mặt đối lập bất biến mà chúng luôn luôn chuyển hóa cho nhau. Hết đêm tối thì sẽ đến ngày sáng và lặp lại; nước lạnh ở dưới (âm) nếu đun nóng đến cực độ (thông thường là 100oC) thì bốc thành hơi nóng ở trên (dương), và ngược lại, hơi nóng ở trên (dương) được làm lạnh đến cùng cực thì sẽ chuyển trạng thái thành nước lạnh ở dưới (âm).

Nguồn tham khảo: sách, báo và internet.

Vui lòng dẫn nguồn nhalocdatvang.com khi sử dụng thông tin từ trang này. Xin cảm ơn!

Bình luận:

Reset password

Enter your email address and we will send you a link to change your password.

Powered by Estatik
All in one
Liên hệ ngay