Đây là trường hợp thường gặp khi người bán cố tình giao dịch nhà đất trong thời gian chờ thi hành án dân sự một bản án đã được tòa án tuyên. Người mua có thể phải gánh chịu rủi ro mất trắng tiền và lao đao vì pháp lý.
Mua xong mới biết
Người mua nhà đất đã thưc hiện xong giao dịch, đã thanh toán đủ tiền đang chờ làm thủ tục chuyển nhượng, hoặc đã thanh toán và nhận được sổ hồng. Người bán nhà đất này đang vướng vào một vụ án dân sự đã xét xử và tòa án đã tuyên thi hành án trong đó có liên quan đến tài sản là nhà đất ở giao dịch kể trên. Nghĩa là người bán cố tình thực hiện giao dịch mua bán đối với tài sản đáng lẽ ra phải thi hành án. Giao dịch này phải được xử lý ra sao?
Xử lý theo pháp luật
Văn bản Pháp luật mới nhất hướng dẫn giải quyết đối với các giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án là Nghị định 33/2020/NĐ-CP của Chính Phủ, có hiệu lực từ ngày 1/5/2020. Trong đó điều 11 quy định như sau:
“Trường hợp tài sản đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà phát sinh các giao dịch liên quan đến tài sản đó thì tài sản đó bị kê biên, xử lý để thi hành án. Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đối với tài sản đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đối với tài sản đó.”
Trường hợp có giao dịch về tài sản mà người phải thi hành án không sử dụng toàn bộ khoản tiền thu được từ giao dịch đó để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc có tài sản khác nhưng không đủ để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án thì xử lý như sau:
- a) Trường hợp có giao dịch về tài sản nhưng chưa hoàn thành việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản theo quy định. Khi kê biên tài sản, nếu có tranh chấp thì Chấp hành viên thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật thi hành án dân sự, trường hợp cần tuyên bố giao dịch vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật thi hành án dân sự.
- Trường hợp có giao dịch về tài sản kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng đã hoàn thành việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng thì Chấp hành viên không kê biên tài sản mà thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật thi hành án dân sự và có văn bản thông báo cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để phối hợp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.
- Việc xử lý tài sản được thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền.
- b) Trường hợp có các giao dịch khác liên quan đến tài sản mà không chuyển giao quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất cho người khác thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản để thi hành án. Quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia giao dịch được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và các quy định của pháp luật có liên quan.”
Nguồn: Nghị định 33/2020/NĐ-CP
Vui lòng dẫn nguồn nhalocdatvang.com khi sử dụng thông tin từ trang này. Xin cảm ơn!