Định nghĩa Phong Thủy, cơ sở triết học của Phong Thủy, 10 thiên can, 12 địa chi, phương – hướng – mệnh trạch cung là 5 khái niệm cơ bản nhất để tìm hiểu và ứng dụng Phong Thủy sao cho đúng cách và mang lại lợi ích cao nhất.
Xin lưu ý: Mọi thông tin chỉ có tính tham khảo. Phong Thủy là một học thuyết lớn với nhiều trường phái, quan điểm, quan niệm, cách hiểu và phương pháp vận dụng khác nhau.
1. Định nghĩa Phong Thủy
Phong Thủy là 2 từ ghép Hán Việt: phong là gió và thủy là nước. Theo đó, nói đến Phong Thủy thì theo nghĩa đen là nói đến 2 yếu tố gió và nước, nhưng chính xác hơn thì phải là nói đến “khí” và “năng lượng của khí”. Tất cả đều tồn tại dưới dạng sóng vi tế.
Trong Phong Thủy tồn tại 2 loại khí là Sinh khí (Thanh khí) và Tà khí, nói theo học thuyết âm dương thì gọi là Dương khí và Âm khí. 2 loại khí này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người và đóng vai trò là 2 yếu tố quan trọng nhất của đời sống
2. Cơ sở triết học của Phong Thủy
Phong Thủy bắt nguồn từ Trung Hoa và dựa vào 2 cơ sở triết học là thuyết Âm Dương và thuyết Ngũ Hành. 2 học thuyết này được thể hiện đầy đủ trong “Kinh Dịch”. Vũ trụ (tức Vô cực) sinh ra Lưỡng Nghi (tức Âm Dương) là trung tâm. Âm Dương lại sinh tiếp Tứ Tượng (4 mùa xuân, hạ, thu, đông) rồi sau đó lại biến hóa ra Bát Quái là 8 trạng thái vật chất cơ bản là Trời, Đất, Nước, Lửa, Sấm, Gió, Núi và Đầm, chia làm 5 hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Theo Âm Dương thì Âm đại diện cho trạng thái tĩnh, bóng tối, lạnh, mặt trăng, phụ nữ,… và Dương đại diện cho trạng thái động, ánh sáng, nóng, mặt trời, đàn ông,… Theo Ngũ Hành thì có tương sinh Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim rồi lặp lại và tương khắc: Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim rồi lặp lại.
3. 10 Thiên Can (10 tượng của Trời) và sự hóa hợp
Thiên Can | Âm Dương của can | Ngũ hành của can |
Giáp | + | Mộc |
Ất | – | Mộc |
Bính | + | Hỏa |
Đinh | – | Hỏa |
Mậu | + | Thổ |
Kỉ | – | Thổ |
Canh | + | Kim |
Tân | – | Kim |
Nhâm | + | Thủy |
Quý | – | Thủy |
5 sự hóa hợp của can:
- Giáp + Kỷ = Thổ
- Ất + Canh = Kim
- Bính + Tân = Thủy
- Đinh + Nhâm = Mộc
- Mậu + Quý = Hỏa
4. 12 Địa Chi (12 tượng của Đất), lục hợp và lục xung
Địa Chi | Âm Dương của chi | Ngũ hành của chi |
Tý | + | Thủy |
Sửu | – | Thổ |
Dần | + | Mộc |
Mão | – | Mộc |
Thìn | + | Thổ |
Tỵ | – | Hỏa |
Ngọ | + | Hỏa |
Mùi | – | Thổ |
Thân | + | Kim |
Dậu | – | Kim |
Tuất | + | Thổ |
Hợi | – | Thủy |
Lục hợp (6 sự hóa hợp):
- Tý + Sửu = Thổ
- Dần + Hợi = Mộc
- Mão + Tuất = Hỏa
- Thìn + Dậu vff= Kim
- Tị + Thân = Thủy
- Ngọ + Mùi = Thổ
- Tỵ + Dậu + Sửu = Kim cục
- Hợi + Mão + Mùi = Mộc cục
- Thân + Tý + Thìn = Thủy cục
- Dần + Ngọ + Tuất = Hỏa cục
Lục xung (6 sự xung khắc):
- Tý <> Ngọ
- Mão <> Dậu
- Dần <> Thân
- Tỵ <> Hợi
- Thìn <> Tuất
- Sửu <> Mùi
5. Phương – Hướng và Mệnh trạch cung
Trong Phong Thủy có 4 phương chính là Đông – Tây – Nam – Bắc và 8 hướng chính là Đông – Tây – Nam – Bắc – Đông Nam – Đông Bắc – Tây Nam – Tây Băc. Trong thực tế thì có vô số hướng tùy thuộc vào số đo của la bàn. Hướng ở đây là hướng đất, hướng nhà, hướng cửa, hướng của các vật dụng và các trang thiết bị trong nhà.
Mệnh trạch cung còn gọi là Cung phi, là yếu tố dùng để phân loại và thể hiện tính chất khác nhau của từng cá nhân dựa trên Bát quái. Mỗi cá nhân có một mệnh trạch cung hay một quái số phong thủy khác nhau, căn cứ trên năm sinh và giới tính từng người. Dựa vào mệnh trạch cung mà ta xem xét các mối tương tác giữa cá nhân đó với môi trường để luận cát hung trong Phong Thủy.
Tham khảo chuyên môn: Thầy Chung Quang Ích, KTS Nguyễn Hoàng Ân
Vui lòng dẫn nguồn nhalocdatvang.com khi sử dụng thông tin từ trang này. Xin cảm ơn!