Bất động sản là gì: đất đai, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất đai. Bất động sản luôn khan hiếm, cá biệt, lâu bền, tác động lẫn nhau.
Bất động sản là gì được định nghĩa trong Luật
Theo Bộ Luật Dân sự năm 2015, “Tài sản” được công nhận tại Việt Nam là “vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản” (Điều 105). Tài sản bao gồm Bất động sản và Động sản. Bất động sản bao gồm đất đai, công trình hoặc tài sản khác gắn liền với đất đai. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản. Như vậy Luật đã đưa ra định nghĩa rõ về Bất động sản theo hướng liệt kê danh sách.
“Bất động sản bao gồm: Đất đai; Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; Tài sản khác theo quy định của pháp luật.”
(Điều 107, Bộ Luật Dân sự 2015)
Về mặt ngữ nghĩa, “Bất động sản” là một từ Hán Việt và có thể phân tích từ này để hiểu được ý nghĩa của nó. “Bất” là không, “động” là chuyển động/di chuyển, “bất động” nghĩa là không chuyển động/không di chuyển. “Sản” nằm trong từ Tài Sản. Như vậy về mặt thuần Việt, có thể hiểu “Bất động sản” nghĩa là Tài sản không chuyển động/không di động. Đây chính là một tính chất đặc trưng cố hữu của “đất đai và những gì gắn liền với đất đai” – chúng không thể di chuyển đi chỗ khác được.
Phân loại Bất động sản
PHÂN LOẠI THEO BỘ LUẬT DÂN SỰ: Vì Bất động sản là một phần trong định nghĩa Tài Sản nên theo Bộ Luật Dân sự có thể phân Bất động sản làm 2 loại là Bất động sản hiện có và Bất động sản hình thành trong tương lai.
- Bất động sản hiện có là bất động sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với bất động sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch.
Ví dụ: Đất đã có sổ hồng. - Bất động sản hình thành trong tương lai bao gồm: Bất động sản chưa hình thành và bất động sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu bất động sản này sau thời điểm xác lập giao dịch.
Ví dụ: Đất dự án.
PHÂN LOẠI THEO VIỆC XÂY DỰNG: Vì trong thực tế sẽ có công trình xây dựng trên đất nên Bất động sản có thể phân làm 3 loại:
- Bất động sản có đầu tư xây dựng bao gồm đất và các công trình xây dựng gắn liền với đất: nhà ở, nhà xưởng, công trình thương mại – dịch vụ, công trình hạ tầng, trụ sở làm việc…
- Bất động sản không đầu tư xây dựng bao gồm: đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất hiếm, đất chưa sử dụng, …
- Bất động sản đặc biệt: các công trình bảo tồn quốc gia, di sản văn hóa vật thể, nhà thờ họ, đình chùa, miếu mạo, nghĩa trang, …
Đặc điểm của Bất động sản
Bất động sản dựa trên nền tảng là Đất đai vì vậy có những đặc điểm và tính chất vô cùng đặc biệt ảnh hưởng không những đến giá trị, giá cả, việc mua bán kinh doanh mà ảnh hưởng đến cả lịch sử của Nhân loại.
- Tính bất động: không thể được di chuyển/di dời từ nơi này sang nơi khác.
- Tính cá biệt: bị giới hạn về lãnh thổ, phạm vi, diện tích, mốc giới, không đồng nhất, tùy thuộc vào vị trí địa lý cụ thể và mang tính địa phương.
- Tính khan hiếm: diện tích đất đai nói chung là có giới hạn so với sự phát triển của dân số.
- Tính lâu bền: đất đai có thể tồn tại rất rất lâu theo thời gian mà ít bị hủy hoại, các công trình xây dựng trên đất có thể tồn tại từ vài chục, vài trăm đến vài ngàn năm.
- Tính chịu ảnh hưởng lẫn nhau: bất động sản này có thể tác động đến bất động sản khác, tác động có thể là vật lý (ví dụ: việc xây dựng, sửa chữa trên một mảnh đất này có thể gây ra ảnh hưởng đến mảnh đất bên cạnh như gây ra việc sụt lún, nứt vỡ, làm nghiêng,…), tác động có thể là gia tăng giá trị và giá cả lẫn nhau (ví dụ: Nhà nước đầu tư xây dựng đường sá, trường học, trạm xá,… ở một mảnh đất nào đó có thể làm tăng giá trị và giá cả của những mảnh đất liền kề hoặc xung quanh).
- Tính chịu sự can thiệp và quản lý chặt chẽ của Nhà nước: bất động sản, trước hết là đất đai, có tác động vô cùng quan trọng đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội vì vậy Nhà nước sử dụng luật pháp để quản lý chặt chẽ việc quy hoạch, phân chia, sử dụng, chuyển nhượng bất động sản.
- Tính co giãn kém của cung bất động sản: trong kinh tế học, nhìn chung thì cung đối với bất động sản (“cung” có thể hiểu là số lượng) là tương đối kém đàn hồi với những thay đổi về giá cả. Điều này có nghĩa là: số lượng bất động sản sẽ biến động ít (tăng ít hoặc giảm ít) khi giá cả bất động sản biến động.
Cám ơn bạn đã đọc hết bài viết này! Chúng tôi hy vọng đã giúp bạn tìm ra câu trả lời bất động sản là gì, có những loại nào và đặc điểm ra sao mà ngành bất động sản lại thu hút rất nhiều sự quan tâm, đầu tư và việc làm đến vậy. Mặc dù trải qua rất nhiều giai đoạn thăng hoa rồi trầm lắng có lúc đóng băng, bất động sản vẫn luôn là một kênh đầu tư, một ngành nghề hấp dẫn về mọi mặt!
Nguồn tham khảo: Bộ Luật Dân sự 2015, Wikipedia.
Vui lòng dẫn nguồn nhalocdatvang.com khi sử dụng thông tin từ trang này. Xin cảm ơn!