Đừng quên Alibaba: Bài học không bao giờ cũ!!!

22 công ty thuộc Địa ốc Alibaba công bố vốn điều lệ 5.600 tỷ đồng, thu gom 600ha đất nông nghiệp, tạo ra hơn 40 dự án ma ở nhiều tỉnh thành, lừa đảo hơn 2.500 tỷ đồng của hơn 6.700 người theo hình thức đa cấp kiểu Ponzi tài chính: bán cùng 1 lô đất làm 4 đợt, giá đất tăng theo từng đợt, 30% khách hàng lấy đất – 70% lấy lãi 36%/năm, 10% chi phí quản lý. Đừng quên bài học đắt giá từ Alibaba: Tham – Liều – Không chịu tìm hiểu kỹ trước khi xuống tiền dẫn đến người thân lừa người thân, bạn bè lừa bạn bè, nhân viên lừa khách hàng.

Dự án của địa ốc Alibaba ma đến mức nào?

Báo Tuổi Trẻ ngày 22/09/2019: 22 công ty do các cổ đông của địa ốc Alibaba lập rao bán gần 50 dự án tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận với hàng chục ngàn lô đất vẽ trên giấy, chưa có một ai vào ở. Bằng cách nào mà một lô đất được bán cho nhiều người, và khách hàng chỉ nhận lãi mà không nhận đất? Liệu đây có phải là một biến tướng của mô hình đa cấp Ponzi?

Alibaba lừa đảo đất tại Thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa Vũng Tàu
Các khu đất tại thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) được địa ốc Alibaba môi giới bán cho khách hàng

Làm dự án theo cách hiểu của địa ốc Alibaba

Cho đến nay, các cơ quan chức năng khẳng định Alibaba không có bất kỳ dự án nào được chấp thuận đầu tư. Vậy họ có đất nền ở đâu ra?

Trong lần trao đổi với Tuổi Trẻ đầu tháng 9-2019, ông Nguyễn Thái Luyện – chủ tịch HĐQT Địa ốc Alibaba – cho biết công ty này chỉ môi giới, giới thiệu nền đất và lấy phí môi giới theo hợp đồng, và khẳng định các dự án rao bán hiện chỉ là những khu đất nông nghiệp, các cá nhân đứng tên quyền sử dụng đất ủy quyền cho các công ty thực hiện việc phân lô bán nền.

“Dự án ở đây không đồng nghĩa với dự án đầu tư theo cách hiểu thông thường của chính quyền” – ông Luyện phân bua.

Vậy được hiểu như thế nào? Theo ông Luyện, các công ty liên quan thực hiện các thủ tục tách thửa, phân lô hiến đất làm đường, thậm chí chuyển nhượng cho khách hàng cũng trên cơ sở ủy quyền của cá nhân sử dụng đất từ đầu đến cuối nhưng không làm dự án theo quy trình đầu tư, mà chỉ làm thủ tục phân lô tách thửa đất của cá nhân là để cho… nhanh.

Liệu điều này có đúng quy định? Ông Nguyễn Mạnh Thắng – trưởng Phòng công chứng số 7 TP.HCM – cho biết muốn phân lô bán từng nền, chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước, có giấy chứng nhận mang tên người bán, hoàn thành kết cấu hạ tầng, phải có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt.

Chiếu theo quy định này cho thấy tất cả nền đất mà địa ốc Alibaba rao bán đều chưa đủ điều kiện để bán, thực chất là nền đất không có thật.

“Các công ty không có đất cũng không có dự án mà xưng là chủ đầu tư, ký hợp đồng chuyển nhượng nền cho khách hàng là hành vi có dấu hiệu lừa đảo. Hợp đồng chuyển nhượng nền đất ký với khách hàng này chắc chắn vô hiệu” – ông Thắng nói.

Quy trình lừa đảo bán đất nền của Alibaba
Quy trình lừa đảo bán đất nền của Alibaba

Mua đất, không nhận nền, chỉ nhận lãi

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhiều người mua đất của địa ốc Alibaba sẽ được ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với công ty “chủ đầu tư dự án” (thực chất chỉ là công ty được cá nhân sử dụng đất ủy quyền làm các thủ tục liên quan đến việc phân lô tách thửa). Sau đó, khách ký hợp đồng quyền chọn, với phương án cơ bản là nhận lãi suất, không nhận đất.

Khách hàng cho công ty thuê lại đất với giá thuê 2%/tháng; công ty mua lại chênh lệch 30% sau 12 tháng hoặc mua lại chênh lệch 38% sau 15 tháng… Trong thời gian đó, công ty được toàn quyền sử dụng lô đất của khách cho mục đích kinh doanh.

Vì sao lại ký hợp đồng quyền chọn? Ông Luyện cho biết mục đích là để loại bỏ các khách hàng không có nhu cầu nhận nền đất. Có nghĩa là sau khi mở bán lần 1, số nền đất khách hàng không có nhu cầu nhận đất sẽ được công ty bán lần 2 với giá bằng giá gốc + lãi suất + 10% chi phí quản trị doanh nghiệp. Tương tự, các nền đất đem ra thị trường bán lần 3 với công thức trên.

Xác nhận điều này, một khách hàng mua 4 nền đất của Công ty Alibaba thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào tháng 4-2019 cho biết ông là khách hàng thế hệ F3, tức mua lại lần thứ 3, với giá đất khoảng 6 triệu đồng/m2. Cũng mua nền đất tại dự án này, một khách hàng mua vào tháng 8-2018 xác nhận chị chỉ mua với giá khoảng 4 triệu đồng/m2.

Ông Nguyễn Thái Luyện cho biết chỉ chọn mua những khu đất có quy hoạch là khu dân cư nông thôn trong tương lai có thể chuyển mục đích thành đất ở nông thôn được. Tuy nhiên chính quyền các địa phương cho biết các khu đất do Công ty Alibaba rao bán có phần lớn diện tích thuộc quy hoạch đất ở nông thôn nhưng cũng có những khu vực không phải là đất ở nông thôn.

Ví dụ ba khu đất trên địa bàn xã Phước Bình (huyện Long Thành, Đồng Nai) đều có một phần diện tích không quy hoạch thành đất ở như đất cụm công nghiệp, đất giao thông (thuộc quy hoạch đường Phước Bình). Một số khu đất ở xã Long Phước của huyện này có một phần đất quy hoạch là đất trồng cây lâu năm, cơ sở sản xuất phi nông nghiệp và cả đất sông suối, ao hồ…

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thái Luyện từng khẳng định “sẽ là tối ưu nếu người dân mua đất nền do Alibaba phân phối để ở vì các lô đất của Công ty Alibaba gần khu dân cư hiện hữu, sau khi tách sổ, giao đất thì người dân có thể xây nhà ở ngay”.

Thế nhưng ông Luyện cũng thừa nhận 3 năm qua chưa có ai vào ở trong các dự án của Alibaba mà chỉ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp các khu đất. Và cho biết nếu các khu đất của Công ty Alibaba không được chính quyền cho chuyển mục đích thành đất ở, không được tách thửa, khách hàng đòi lại tiền… thì hiện Alibaba có 600ha đất, công ty sẽ bán hết số đất đó để trả lại cho khách hàng!?

Chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh: Phiên bản biến tướng, nâng cấp của mô hình Ponzi?

  • Luật không cấm một miếng đất được sang tay qua nhiều chủ nhưng vấn đề là các dự án địa ốc Alibaba chào bán đến nay đều bị xem không đủ cơ sở pháp lý, hay nói cách khác là bịa ra và chỉ nằm trên giấy, không tồn tại. Họ lấy tiền bán người sau trả lãi cho người trước, như một cách huy động trá hình thông qua sản phẩm ảo là đất. Trong khi theo quy định, ở VN chỉ có hai tổ chức được phép huy động vốn là ngân hàng và các quỹ đầu tư.
  • Do đó, ở đây không hẳn là đa cấp theo mô hình Ponzi mà đã có biến tướng, nâng cấp lên phiên bản khác tinh vi hơn. Ponzi này phối hợp thêm một số kiểu lừa khác, đặc biệt càng nâng cao thì càng có khả năng xóa dấu vết tốt hơn khi mô hình sụp đổ, nhà cái “bùm” kịp thời, những người góp vốn càng khó có thể tìm ra được họ.
  • Trong các hình thức lừa đảo, lừa đảo tài chính là đỉnh cao nhất, đa số người lừa không biết mình bị lừa cho đến khi hậu quả xảy ra, do cách thức của các nhóm này là đưa ra mức lãi cao, nên người ta nghe tư vấn kiểu gì cũng… xuôi tai, xuống tiền đầu tư ngay.
  • Có thể thấy đây là dạng biến tướng huy động vốn với một tài sản tưởng thật là đất, nhưng lại là tài sản hình thành trong tương lai bị pháp luật không cho phép kinh doanh. VN thừa nhận hoạt động kinh doanh đa cấp, nhưng nếu kinh doanh một tài sản không thật lại trở thành lừa đảo.

Tác giả: N.Bình
Nguồn: tuoitre.vn

Alibaba biến tướng mô hình đa cấp Ponzi để huy động 2.500 tỷ đồng

Báo vnexpress.net ngày 23/09/2019: Alibaba đánh vào lòng tham của khách hàng, mua đất không phải để sử dụng mà để chờ tăng giá bán kiếm lời.

Công an khám xét một chi nhánh Công ty Alibaba chiều 20/9/2019
Công an khám xét một chi nhánh Công ty Alibaba chiều 20/9/2019

CEO của Alibaba, Nguyễn Thái Luyện từng học một trường ĐH ở TP HCM, vốn là nhân viên môi giới bất động sản đất nền khu vực ven TP HCM. Chính vì có thâm niên trong nghề làm nhân viên môi giới, am hiểu tình hình kinh doanh đất vùng ven, giữa năm 2016, Luyện chính thức vươn vai thành lập công ty Alibaba theo cách không giống ai: Mô hình đa cấp kết hợp Ponzi.

Mô hình Ponzi là trò vay tiền của người này để trả nợ người khác. Người vay đưa ra cam kết trả lợi tức cao cho người cho vay và quảng cáo với họ về những tấm gương đã từng nhận được lợi tức cao trước đây. Người cho vay bị hấp dẫn bởi lợi tức cao lại giới thiệu những người cho vay mới hơn. Bằng hình thức này, người vay càng sẽ có nhiều những khoản tiền lớn hơn.

Hiện nay tại Việt Nam, các cách huy động vốn tiền thật dựa trên mô hình Ponzi phát triển biến tướng không ngừng. Biết biết bao gia đình rơi vào cảnh nợ nần và phá sản.

Với Alibaba, đất nông nghiệp và dự án ảo chỉ là công cụ để huy động tiền của khách hàng. Thực chất kinh doanh của Alibaba là huy động vốn trả lãi cao. Nhiều khách hàng của Alibaba tự hào vì đầu tư “khôn ngoan” kiếm tiền dễ dàng. Còn Alibaba thì tự hào vì đây là mô hình “thông minh” huy động được rất nhiều tiền từ xã hội. “Tham thì thâm” là đây.

Hợp đồng “Hợp tác đầu tư” với khách hàng sẽ có hai dạng: Khách hàng nhận nền của dự án sau một thời gian ký hợp đồng. Đến thời hạn không có nền giao, khách hàng nào may mắn nằm trong chu kỳ công ty vét nhiều tiền của khách hàng mới, thì được trả lại vốn gốc và lãi. Hoặc khách hàng không nhận nền mà chỉ nhận tiền lãi. Theo nguyên tắc giai đoạn đầu tiên mở là 20% khách chọn nhận nền đất, 80% là số còn lại chọn nhận lãi suất hấp dẫn.

Ai chọn nhận lãi suất sẽ có thêm điều kiện: Nền đất đó được Alibaba toàn quyền sử dụng. Với số đất nền từ 80% khách hàng đợt đầu tiên nhận lãi, Alibaba sẽ mở bán đợt hai. Giá lúc này là giá gốc đợt một cộng lãi suất phải trả cho khách hàng cộng 10% chi phí quản lý của Alibaba. Khách hàng sẽ được nhận lãi theo cam kết. Với đợt hai này nguyên tắc 7-3 được áp dụng. 30% sẽ nhận đất và 70% sẽ nhận tiền lãi hấp dẫn của đa cấp.

Vậy là, lúc này Alibaba lại tiếp tục có nền để bán đợt ba. Giá bán của đợt ba, một lần nữa, tương tự đợt hai: Giá gốc của đợt 2 + lãi suất + 10% chi phí quản lý… Và như thế với một dự án ma. Một nền đất có thể được bán lần thứ N.

Vấn đề ở chỗ các dự án đất được phân lô bán nền đó là chưa được cấp phép. Chính quyền không xác nhận khu vực đó là đất ở, được phân lô bán nền, mà chỉ là đất cá nhân của nhiều người, và Alibaba nhận ủy quyền.

Những người mua nhận đất cũng khổ, vì đất có hợp pháp đâu mà nhận. Nhưng vì sao rất ít người tố giác, đâm đơn kiện đòi tiền? Vì đa phần họ biết rõ luật chơi mà mình tham gia: Không kiện thì vẫn còn hy vọng Alibaba sẽ mở bán lần 4, lần 5, vừa được lãi suất, vừa tống được dự án đi. Chỉ có người mua sau đó thiệt.

Điểm nhấn bán hàng của Alibaba là đánh vào lòng tham của khách hàng. Khách hàng bất động sản không mua lô đất để sử dụng mà mua lợi ích, cơ hội sinh lời – thứ mà sản phẩm mang đến cho khách hàng, và sau đó là sự thỏa mãn, thứ mà sản phẩm tạo ra cho khách hàng.

  1. Giá bán hấp dẫn hơn thị trường. Với mức giá thấp chỉ bằng 50% – 60% so với giá thị trường, và cam kết “sổ đỏ thổ cư”, Alibaba đã dễ dàng thu hút được hàng nghìn khách hàng tham gia mua dự án.
  2. Cam kết lợi nhuận khủng khi thu mua dự án. Khi không hoàn thành việc bàn giao sổ đỏ hoặc khách hàng muốn bán lại thì Alibaba sẽ chi trả tiền gốc và lãi suất khoảng 12-15% cho 6 tháng hoặc 28-35%/năm.
  3. Sau khi ký hợp đồng thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thanh toán tiền, khách hàng sẽ ký tiếp “hợp đồng quyền chọn” với Alibaba.

Trong hợp đồng này, Alibaba đưa ra 4 phương án để khách hàng lựa chọn:

  1. Alibaba thuê lại đất của khách hàng với giá thuê 2%/tháng trên tổng giá trị nền đất, thời gian thuê là 12 tháng, chỉ áp dụng cho các trường hợp thanh toán 95% giá trị nền đất.
  2. Aliabba mua lại của khách hàng với chênh lệch 30% sau 12 tháng.
  3. Alibaba mua lại với chênh lệch 38% sau 15 tháng.
  4. Thanh toán 50% và trả góp 3 triệu đồng/tháng, lãi suất 0% và Alibaba sẽ mua lại với chênh lệch 38% sau 15 tháng, khi thanh toán đủ 95% giá trị nền đất. Khách hàng sẽ nhận được lãi suất tương ứng. Điều chưa từng có ở bất kỳ công ty bất động sản nào là nhân viên/ khách hàng có thể đầu tư đến từng mét vuông đất dự án. Có ít tiền mua ít, có nhiều tiền mua nhiều.

Hoặc có thể mượn tiền người thân quen để đầu tư vào công ty thông qua “danh sách 100 ân nhân”, và chỉ cần mượn mỗi người 10 triệu đồng. Đa số nhân viên Alibaba đều đầu tư mua đất nền của công ty để nhận lãi. Tiền của ALibaba đi đâu? Dòng tiền của khách hàng đóng vào luôn luôn xoay vòng để:

  1. Duy trì hoạt động của tập đoàn, chi nhánh, trả lương cho đội ngũ nhân viên để phục vụ cho việc kinh doanh, bán các dự án ma.
  2. Thưởng cho nhân viên giỏi. Thưởng tiền mặt cho nhân viên khi lôi kéo người khác tham gia, mua đất nền của công ty.
  3. Mua các lô đất nông nghiệp để vẽ dự án “ma”.
  4. Trả lãi cho khách hàng, để vận hành Alibaba và hệ thống các công ty con.
  5. Mua ôtô các loại để sử dụng nhằm tạo ra thanh thế, uy tín…
  6. Chi dùng cho cá nhân và gia đình…

Tác giả: Trần Ngọc Cường
Nguồn: vnexpress.net

Cách thức lừa đảo kiểu Ponzi của Địa ốc Alibaba

Cafeland.vn ngày 4/10/2019: Trong tiến trình mở rộng điều tra vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại công ty CP địa ốc Alibaba và các doanh nghiệp liên quan, mới đây Công an TP.HCM xác định, bản chất thực sự của địa ốc Alibaba là huy động vốn theo hình thức đa cấp, sử dụng đất nền tại các dự án “ma” làm…mồi nhử.

Trên website của Địa ốc Alibaba đưa ra số liệu sau hơn 3 năm, Tập đoàn Địa ốc Alibaba từ 4 nhân sự ban đầu đã lên 2.506 người, vốn điều lệ từ khoảng 100 triệu đồng lên đến 5.600 tỷ đồng. Cũng theo thông báo từ website công ty thì hiện nay Alibaba có tới 48 dự án với gần 29.000 sản phẩm. Những con số này cho thấy tầm vóc của Địa ốc Alibaba là vô cùng to lớn.

Việc đăng ký vốn điều lệ rất lớn nhằm tạo lòng tin cho nhà đầu tư, nhân viên là một trong những chiêu lợi hại của Luyện. Với số vốn 5.600 tỷ đồng thì khách hàng hoàn toàn yên tâm khi đầu tư vào công ty. Không ít khách hàng đã ký hợp đồng với Alibaba vì tin tưởng vào số vốn điều lệ khủng mà Địa ốc Alibaba công bố.

Tuy nhiên, trên thực tế số vốn điều lệ của Alibaba chỉ là vốn ảo. Theo Luật doanh nghiệp thì công ty tự khai báo vốn điều lệ mà không cần phải chứng minh số vốn thực góp. Do đó đây chỉ là vốn ghi trên giấy phép đăng ký kinh doanh chứ không phải là vốn chủ sở hữu doanh nghiệp, không phải là số vốn mà cổ đông đã góp vào công ty. Do đó, còn số này thực tế không có ý nghĩa đảm bảo việc Alibaba sẽ trả được nợ cho khách hàng như trong các hợp đồng đã thỏa thuận.

Alibaba còn dẫn dụ khách hàng bằng cách cam kết lợi nhuận khủng cho người mua. Alibaba luôn tung hô khẩu hiệu “Mua gì thì lỗ, chứ mua thổ không bao giờ lỗ” rót vào tai khách hàng. Giá bán bất động sản của Alibaba chỉ bằng 50-70% giá thị trường và đồng thời cam kết thu mua lại với chênh lệch giá 30-36%/năm. Nhân viên sale của Alibaba cũng liên tục dụ khách hàng rằng tiềm năng sinh lời của bất động sản có thể 10, thậm chí 100 lần trong tương lai. Không chỉ có vậy, họ còn cam kết đất nền có sổ hồng riêng và thổ cư 100%.

Bản chất thực sự của địa ốc Alibaba

Công an TP.HCM chính thức thông tin, đến nay đủ cơ sở xác định Nguyễn Thái Luyện có vai trò cầm đầu, chủ mưu vụ án lừa đảo đình đám này. Luyện đã lập ra công ty địa ốc Alibaba và các công ty thành viên, có quy mô tổng cộng khoảng 2.600 nhân viên.

Thủ đoạn của Luyện và đồng bọn là đi thu gom 600 ha đất nông nghiệp ở nhiều tỉnh, thành cho các cá nhân đứng tên. Các khu đất này, Luyện giao cho 2 người em ruột là Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực và một số người thân khác đứng tên.

Luyện chỉ đạo nhân viên tự vẽ các khu đất nông nghiệp thành dự án khu dân cư cao cấp, thực tế là chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt dự án, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở. Đội ngũ hùng hậu Alibaba đã sử dụng nhiều kênh thông tin, rao bán các đất nền cho khách hàng từ các dự án “ma” đó.

Cho đến thời điểm trước khi Luyện bị khởi tố, địa ốc Alibaba có 40 dự án “ma” ở nhiều tỉnh thành, trong đó tại tỉnh Đồng Nai có 29 dự án, Bà Rịa – Vũng Tàu 9 dự án và Bình Thuận 2 dự án.

Tính đến ngày 30/6/2019, địa ốc Alibaba và các công ty trực thuộc đã ký hợp đồng với 6.700 khách hàng, chiếm đoạt số tiền 2.500 tỷ đồng.

Lừa đảo kiểu Ponzi

Theo điều tra của cơ quan chức năng, những lô đất trong các dự án của công ty Alibaba được chia làm 3 đợt bán. Mỗi đợt bán đều phân ra làm 2 loại khách: Nhóm 1 là khách nhận nền, nhóm 2 là khách không nhận nền mà chỉ nhận tiền lãi.

Theo đó, khi bán giai đoạn 1, số tiền bán được Alibaba chia theo tỉ lệ 30-70. Nghĩa là 30% sẽ trích ra làm hạ tầng như đường nhựa, điện đường, cây xanh… để chiêu dụ khách hàng sau này. 70% còn lại sử dụng để lãi suất và đi mua đất nông nghiệp khác để làm dự án “ma” mới.

Những người mua giai đoạn 1, được xem là những người tuyến đầu mua đất nền thông qua hình thức góp vốn với giá gốc. Sau khi có hợp đồng góp vốn, người mua giai đoạn 1 có trách nhiệm dẫn dắt người khác vào mua giai đoạn 2 để hưởng lãi suất cao.

Khi bán giai đoạn 2, Alibaba sẽ chia theo nguyên tắc 20-80. Theo đó, 20% là khách hàng chọn nhận nền đất và 80% số còn lại chọn nhận lãi suất cao lên đến 36%/năm. Ai chọn nhận lãi suất sẽ có thêm điều kiện là nền đất đó được Alibaba toàn quyền sử dụng, tức là bán lại cho người khác.

Giá bán đợt 2 là giá gốc đã bán đợt 1 + lãi suất phải trả cho khách hàng mua đợt 1 + 10% chi phí quản lý của Alibaba. Những người mua đợt 2 này đa phần là bạn bè, người thân, đồng nghiệp của người mua đợt 1.

Cũng là lô đất “ma” trong dự án đấy, Alibaba lại tiếp tục tổ chức bán đợt 3 theo nguyên tắc 30-70. Theo đó, 30% sẽ nhận đất và 70% sẽ nhận mức lãi hấp dẫn lên đến 38%/năm. Giá bán của đợt 3 tương tự như giá bán đợt 2. Những người mua đợt 3 này đa phần đều là người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người mua đợt 2 dẫn dắt vào.

Cứ như thế, Alibaba tiếp tục bán đợt 4 và cách thức được lập lại như bán đợt 2 và 3. Với phương thức bán hàng này, Alibaba ngày càng thu hút nhiều người tham gia và giá luôn tăng cao tạo ra cảm giác ai cũng có lợi nhuận.

Cho đến nay chỉ khoảng 1.000 trong số 6.700 khách hàng làm đơn tố cáo Công ty Alibaba có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Có lẽ không ít khách hàng của Alibaba vừa là nạn nhân cũng vừa là thủ phạm khi nó đã trực tiếp hoặc gián tiếp giúp Alibaba có thêm khách hàng mới là những bạn bè, người thân của mình. Do đó họ cũng sẽ khó khăn trong việc tố cao công ty mình đã đặt niềm tin.

Ắt hẳn số tiền mà nhà đầu tư thu hồi được chẳng đáng là bao bởi vì phần lớn tiền này Luyện đã trả cho nhân viên của mình, tổ chức những sự kiện hoành tráng tốn kém và chi phí cho hoạt động khác quá lớn. Những tài sản còn lại chủ yếu là những mãnh đất nông nghiệp với giá trị thấp. Ngoài ra, với những hợp đồng pháp lý lỏng lẽo thì việc lấy lại tiền chắc chắn sẽ mất không ít thời gian. Đây chính là cái giá nhà đầu tư phải trả do liều, tham, kém hiểu biết khi đầu tư bất động sản.

Tác giả: Minh Nhật – Hoàng Sang
Nguồn: cafeland.vn

Vụ Alibaba: Chân rết đa cấp huy động vốn thế nào?

Báo Giao Thông ngày 21/9/2019: Địa ốc Alibaba dùng tiền của người mua sau để trả lãi cho người mua trước, cứ như vậy một miếng đất có thể bán cho nhiều người.

Khách hàng cung cấp cho Công An toàn bộ giấy nộp tiền cho Alibaba và hồ sơ mua đất
Khách hàng cung cấp cho Công An toàn bộ giấy nộp tiền cho Alibaba và hồ sơ mua đất

Nhiều công ty, một người đứng

Theo hồ sơ, Công ty địa ốc Alibaba thành lập 22 pháp nhân, sử dụng người thân quen trong gia đình đứng tên đại diện pháp luật để kinh doanh bất động sản.

Khi khách hàng mua đất mà Công ty Alibaba rao bán, khách hàng sẽ được hướng dẫn ký Hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với công ty “chủ đầu tư dự án” (thực chất chỉ là công ty được cá nhân sử dụng đất ủy quyền làm các thủ tục liên quan đến việc phân lô tách thửa). Sau đó, khách hàng được tiếp tục hướng dẫn ký Hợp đồng quyền chọn, với phương án cơ bản là nhận lãi suất, không nhận đất.

Cả hai hợp đồng: “Hợp đồng thoả thuận” và “Hợp đồng quyền chọn” khách hàng ký với 2 công ty khác nhau, nhưng người đại diện của cả hai công ty này là một.

Khách hàng cho công ty thuê lại đất với giá thuê 2%/tháng; công ty mua lại chênh lệch 30% sau 12 tháng hoặc mua lại chênh lệch 38% sau 15 tháng… Trong thời gian đó, công ty được toàn quyền sử dụng lô đất của khách cho mục đích kinh doanh.

Với những khách hàng mua đất chỉ nhận lãi, không nhận nền, công ty sẽ tiếp tục bán lần 2 cho khách hàng khác với giá bằng giá gốc cộng lãi suất phải trả cho khách hàng F1 và cộng thêm chi phí quản lý doanh nghiệp.

Tương tự như vậy, khách hàng F2 sẽ chọn nhận lãi không nhận đất thì lại được Công ty này bán tiếp cho F3. Với hình thức lấy tiền của người sau trả cho người trước, và nếu “lỡ” chưa bán cho được người F4 thì người F3 đừng hòng nhận lãi. Cũng có những trường hợp khách hàng sau khi mua đất phát hiện ra những dấu hiệu không minh bạch, đến để đòi tiền… và sau nhiều tháng vẫn chưa thể lấy lại tiền của mình.

Cụ thể là trường hợp của bà Làm A Lìn (Đồng Nai) khi mua đất nền do Alibaba rao bán tại dự án Alibaba Center City 5 tại xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Bà được hướng dẫn ký một “Hợp đồng quyền chọn” với Công ty địa ốc Alibaba (được gọi là bên quyền chọn) do ông Trang Chí Linh, phó tổng pháp lý ký. Sau đó Công ty Alibaba tiếp tục hướng dẫn bà Lìn ký “Hợp đồng thoả thuận” chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ Công ty ty CP địa ốc Chiến Thắng cũng do ông Trang Chí Linh phó tổng pháp lý ký.

Nghĩa là trong “Hợp đồng thoả thuận” và “Hợp đồng quyền chọn” với khách hàng đều do một mình ông Trang Chí Linh ký. Công ty Chiến Thắng và Công ty Alibaba cũng là hai trong một. Với hình thức trên, Công ty địa ốc Alibaba hình thành nhóm các công ty từ đó huy động vốn của khách hàng thông qua những cam kết ảo.

Thực chất đây là hình thức kinh doanh đa cấp thông qua các hợp đồng thỏa thuận chuyển quyền sử dụng đất… nhưng không có sản phẩm thực tế và theo các luật sư có dấu hiệu của các tội “Trốn thuế”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai”.

Cố tình chiếm đoạt tài sản

Thực chất, hệ thống Công ty Alibaba biết rõ quy hoạch các khu đất này không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, không được cơ quan có chức năng thẩm quyền thoả thuận địa điểm, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, giao đất thực hiện dự án.

Tuy nhiên, Công ty địa ốc Alibaba vẫn ngang nhiên ký kết Hợp đồng với khách hàng cam kết bàn giao nền đất khi đã hoàn tất thi công hạ tầng (điện, đèn đường) và bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích đất thổ cư cho khách hàng với thời gian từ 6 đến 12 tháng đồng thời cam kết thu mua lại.

Vậy Alibaba thực hiện việc này thế nào?

Theo luật sư Trần Minh Cường, đoàn luật sư TP.HCM, nhóm các công ty Alibaba không tuân theo bất kỳ quy định nào để thực hiện dự án… Như vậy có thể khẳng định các “dự án” của Công ty Alibaba chắc chắn không thể hoàn tất thủ tục để bàn giao nền đất (với hạ tầng hoàn thiện được cơ quan chức năng cấp phép) cũng như bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở – thổ cư cho khách hàng theo thoả thuận. Công ty Alibaba tạo thành một hệ thống chân rết bao quanh nhằm đưa khách hàng vào “tròng”.

Với cam kết “ảo” về lợi nhuận khủng làm cho khách hàng tin rằng đây là “dự án” có thật, là đất thổ cư là dấu hiệu lửa đảo, nhằm “thuyết phục” khách hàng “xuống tiền”.

Khi đến hạn trả gốc và lãi suất theo thỏa thuận, hệ thống các công ty Alibaba tiến hành chi trả lãi suất quyền chọn hoặc cố tình kéo dài không thanh toán, việc lấy lại số tiền gốc thực đóng của nhà đầu tư rất khó khăn và hướng khách hàng qua “tái đầu tư” dự án khác mà không cho khách hàng rút toàn bộ vốn ra. Điều đó cho thấy có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản.

Tác giả: Nhật Xuân
Nguồn: baogiaothong.vn

Vui lòng dẫn nguồn nhalocdatvang.com khi sử dụng thông tin từ trang này. Xin cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *